Thanh Oai là huyện đồng bằng nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, là vùng đất cổ được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với bề dày truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân huyện Thanh Oai gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng Thủ đô Hà Nội. Lớp lớp hàng vạn thanh niên Thanh Oai lên đường nhập ngũ, ở hậu phương nhiều quần chúng được giác ngộ, nhiều gia đình đã nuôi giấu, bảo vệ cán bộ Trung ương, Thành phố về hoạt động cách mạng, nhiều phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh... Hậu phương thi đua với tiền tuyến góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy gắn với những địa danh lịch sử hào hùng ngay trên quê hương Thanh Oai "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Là huyện liền kề với thị xã Hà Đông và Thủ đô Hà Nội, ngay trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1930 - 1939) phong trào cách mạng ở Thanh Oai bước đầu đã xây dựng được cơ sở cách mạng ở một số làng xã phía Bắc huyện như Phú Diễn - Hữu Từ - Tả Thanh Oai, Mai Lĩnh - Yên Phúc - Yên Thành..., là địa bàn thường xuyên có cán bộ Trung ương và xứ ủy qua lại hoạt động. Nhiều quần chúng trong quá trình nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, đã được bồi dưỡng giác ngộ. Cuối năm 1940, 3 quần chúng ở Phú Diễn được Tỉnh ủy Hà Đông kết nạp vào Đảng. Đây là tổ chức Đảng - cơ sở Đảng đầu tiên ở huyện Thanh Oai, từ đây phong trào cách mạng ở tổng Tả Thanh Oai đã có tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Đầu năm 1942, chi bộ Đảng ở nhà pháo Bình Đà - cơ sở Đảng thứ 2 được thành lập trên địa bàn huyện. Ngay sau đó, chi bộ đã bảo vệ thành công cuộc họp Tỉnh ủy Hà Đông tại Bình Đà (tháng 8/1942). Trong giai đoạn từ 1942 - 8/1945, các cơ sở Đảng đã tích cực xây dựng, phát triển các tổ chức cứu quốc, lực lượng tự vệ vũ trang, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tán phát truyền đơn, tổ chức quần chúng mít tinh, đấu tranh chống phát xít bóc lột... Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1 "Lệnh tổng khởi nghĩa", khắp các làng xã thuộc Thanh Oai sục sôi khí thế nổi dậy giành chính quyền. Sáng ngày 27/8/1945, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, hàng trăm quần chúng tự vệ vũ trang đã tổ chức biểu tình chiếm huyện lỵ Kim Bài. Từ đây chính quyền cách mạng từ huyện đến xã được thành lập. Đến ngày 10-10-1945, Chi bộ đội công tác của huyện Thanh Oai được thành lập. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên ở cơ quan đầu não của huyện có nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức các phong trào cách mạng, đồng thời thúc đẩy công tác phát triển Đảng ở các khu vực tiến tới thành lập Ban Huyện ủy (Đảng bộ huyện).
Giành chính quyền chưa được bao lâu, thực dân Pháp với dã tâm xâm lược, đã quay lại cướp nước ta một lần nữa. Trước tình thế đó, Đảng ta đã sáng suốt đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân Thanh Oai lại cùng với cả nước đoàn kết chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong thời điểm ấy, mặc dù nhiều xã trên địa bàn huyện bị địch tạm chiếm, lập tề, chúng tổ chức hàng trăm đợt càn quét, vây bắt cán bộ, đảng viên, tra tấn, đánh đập nhân dân, nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước, bản lĩnh cách mạng kiên cường của quân và dân trong huyện. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa, diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, đồng thời tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố Chính quyền, xây dựng lực lượng kháng chiến cứu quốc với 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đã có nhiều thanh niên tình nguyện ra nhập bộ đội chủ lực, xung phong đi chiến đấu ở khắp các chiến trường. Huy động hàng ngàn người tham gia lực lượng dân quân du kích, dân công hỏa tuyến và lực lượng phục vụ chiến đấu tại chỗ, vận động nhân dân đào đắp hàng trăm km giao thông hào, xây dựng hàng nghìn căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, quyên góp tiền, vàng và hàng trăm tấn lương thực ủng hộ kháng chiến; chỉ đạo các xã Thanh Thùy, Tam Hưng, Tân Ước, Đỗ Động, Hồng Dương mở khu du kích, đồng loạt nổi dậy phá tề trừ gian. Toàn huyện đã xây dựng 13 làng kháng chiến liên hoàn, tiêu biểu như làng kháng chiến xã Tam Hưng đã đóng góp cho kháng chiến 28.945 kg gạo và 386.271 đồng Đông Dương… Đặc biệt là ngay thời gian đầu của cuộc kháng chiến, nhân dân Thanh Oai đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở, làm việc và bảo vệ an toàn cho Người tại thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương trong suốt 25 ngày đêm (từ ngày 19/12/1946 đến ngày 13/01/1947).
Mỗi thời điểm, Huyện ủy đã đề ra phương châm tác chiến phù hợp, chủ yếu là tiến hành chiến tranh du kích kết hợp đấu tranh kinh tế - chính trị; du kích các xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức chống lại nhiều trận càn quét lớn của địch. Thực dân Pháp đi đến đâu cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân du kích. Toàn huyện đã tổ chức đánh địch 516 trận, trong đó có 392 trận chống càn, 32 trận tập kích, 38 trận phục kích, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, bắt sống 357 tên, thu hơn 100 khẩu súng các loại… Tiêu biểu là các trận đánh đã ghi vào lịch sử như: Trận chống càn ở Cự Đà (ngày 27/3/1947); Trận “đòn gánh đánh Tây” ở Cầu Ngang, Bắc Lãm (ngày 14/6/1949); Trận chống càn ngày 28/9/1949 ở Tam Hưng; Trận chống càn Vườn Cam xã Thanh Mai (ngày 20/10/1949); Trận “nội công ngoại kích” vào bốt Canh Hoạch (xã Dân Hòa), đêm 16/1/1952; Trận chống càn ở làng Quế Sơn, xã Tân Ước (ngày 4-4-1953); Trận tập kích diệt Đại đội Lê Dương ở đền Hàng Tổng (đêm 16/6/1954)… Những chiến công oanh liệt và mất mát hy sinh của nhân dân trong Huyện đã góp phần chia lửa với chiến trường chung của cả nước, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ đó những địa danh "Tam Hưng anh dũng" và "Quế Sơn oai hùng" mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương, như những trang sử hào hùng nhất của thời kỳ chống thực dân Pháp ở huyện Thanh Oai.
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hầu như ngày nào cũng có lính ngụy mang vũ khí về đầu hàng, nhiều Ban tề mang triện và sổ sách nộp cho Ủy ban kháng chiến. Trên địa bàn huyện, binh lính địch hoang mang. Thời cơ đã đến, tại địa bàn huyện Thanh Oai sục sôi khí thế cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã tiến công vào các đồn, bốt chiếm đóng của địch, buộc địch phải co cụm và từng bước rút khỏi địa bàn. Ngày 13/8/1954, địch rút khỏi Canh Hoạch và Kim Bài. Đến 16 giờ ngày 16/8/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi 2 vị trí ở Bình Đà và Mai Lĩnh. Quê hương Thanh Oai được hoàn toàn giải phóng, góp phần quan trọng cho ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền Nam, Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thanh Oai lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Sau giải phóng, để ổn định tình hình địa phương, Huyện ủy đã tập trung củng cố hệ thống chính trị, phổ biến, tuyên truyền các chính sách vùng mới giải phóng, thực hiện bốn nhiệm vụ quan trong là: khôi phục kinh tế - văn hóa, hoàn thành cải cách ruộng đất (1954-1957); cải tạo quan hệ sản xuất, xây dưng Hợp tác xã 1958-1960, tiếp đó là thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, 1961-1965; Thanh Oai cùng cả nước tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 1965-1975. Đó là những nhiệm vụ hết sức to lớn trong bối cảnh hậu quả của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để lại rất nặng nề, nhiều nhà cửa, làng xã bị thực dân Pháp đốt phá; đồng ruộng chưa có công trình thủy lợi, hàng nghìn ha ruộng bị bỏ hoang, trình độ canh tác lạc hậu, lĩnh vực giáo dục, y tế thiếu thốn trầm trọng.
Đặc biệt từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cùng quân và dân miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Đồng thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Huyện ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng các công trình thủy lợi như đào, đắp sông Hòa Bình; Thanh niên thi đua “3 sẵn sàng”; Phụ nữ thi đua “3 đảm đang”; “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Hậu phương thi đua với tiền phương”. Trong 10 năm 1965-1975, Thanh Oai đã hoàn thành 32 đợt tuyển quân, với 13.085 Nam, Nữ thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường. Nhiều người đã trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Chiến sĩ quyết thắng”. 1.864 người con Thanh Oai đã hy sinh vì độc lập tự do, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 7 người được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân… Trên lĩnh vực chống chiến tranh phá hoại, cùng với các địa phương ở miền Bắc, quân dân Thanh Oai thực hiện “chắc tay cày - vững tay súng”, sẵn sàng đánh trả không quân Mỹ bằng các loại vũ khí, lưới lửa phòng không của dân quân tự vệ Thanh Oai luôn phối hợp với bộ đội pháo cao xạ, tên lửa đánh trả không quân Mỹ. Ngày 10-9-1972, trận địa trực chiến bằng súng 14 ly 5 của dân quân xã Bình Minh bắn rơi chiếc máy bay A7E của không quân Mỹ. Với chiến công này, Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho lực lượng dân quân xã Bình Minh. Đó là những đóng góp hết sức to lớn và rất đỗi tự hào của Nhân dân Thanh Oai trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước từ 1954 đến 1975. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Oai lại là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí Trung ương Đảng về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động.
Chỉ riêng năm 1982, năm đầu thực hiện Chỉ thị, tổng sản phẩm lương thực toàn huyện đạt 43.929 tấn, cao nhất so với các năm trước. Lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Đến năm 1981, các xã đều đã có trường phổ thông cấp I và cấp II.
Tổ quốc thống nhất, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng: tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt; Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt: 14.863 tỷ đồng; đạt 45,9% kế hoạch (tăng 14,9 % so với năm 2023). Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực (Công nghiệp và xây dựng 59,63%; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 7,75%; Thương mại, dịch vụ 32,62%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm: 655.564 triệu đồng, đạt 38% so với dự toán Thành phố giao, bằng 229% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện: 1.786.139 triệu đồng, đạt 54% dự toán giao, bằng 123% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 72,155 triệu đồng/người/năm. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhất là quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, GPMB được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đặc biệt là tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án: mở rộng đường 21B – đường trục phát triển kinh tế huyện, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành Đai 4- Vùng Thủ đô; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp. Năm 2020, huyện được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay toàn huyện có 12/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; năm 2024 phấn đấu huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Tam Hưng, Tân Ước) và 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Thanh Thùy, Thanh Mai). Sự nghiệp văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ giàu, hộ khá giả tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 19 hộ nghèo và 517 hộ cận nghèo, 59/71 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia.
Công tác xây dựng Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong huyện đạt trong sạch, vững mạnh.
Với những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp Cách mạng Giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Thanh Oai nhiều phần thưởng cao quý. Toàn huyện có 02 tập thể Anh hùng LLVT (Nhân dân và LLVT huyện Thanh Oai - năm 2002, Nhân dân và LLVT xã Tam Hưng - năm 1995); 01 tập thể Anh hùng Lao động (Hợp tác xã Nông - Công - Thương - Tín xã Bình Minh - năm 1985); 07 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT là: Anh hùng Nguyễn Ngọc Đắc xã Tân ước; Anh hùng Nguyễn Tiến Lải xã Thanh Cao; Liệt sỹ Nguyễn Công Tiến (tức Kim Tuấn, xã Tân Ước; Liệt sỹ Nguyễn Bá Thất - xã Thanh Cao; Liệt sỹ Phạm Hồng Sơn (Phạm Văn Sở, xã Phương Trung; Liệt sỹ Nguyễn Văn Y (Năm Trà) xã Bích Hòa; Liệt sỹ, Đại tá Đặng Tính xã Cự Khê. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng các tập thể, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong Huyện 26.115 Huân chương, Huy chương các loại; Chính Phủ tặng Bằng khen cho 343 tập thể, cá nhân; Lực lượng công an huyện được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất... Trong công cuộc đổi mới cán bộ và nhân dân huyện Thanh Oai vinh dự 02 lần được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, 01 hạng Nhì và nhiều tập thể, cá nhân trong Huyện đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý khác.
Trên chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, với chiến công oanh liệt trong đấu tranh chống xâm lược cùng với những thành tựu của thời kỳ đổi mới mãi mãi là những bài học lịch sử quý báu nhằm bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong Huyện, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai nguyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, chủ động, tích cực, tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.